Năm 2014 được coi như bước đệm quan trọng mở đường cho việc thuê ngoài dịch vụ CNTT. Hàng loạt các cuộc hội thảo, trao đổi giữa các Bộ, ngành, đơn vị trực thuộc khối CQNN cùng với các doanh nghiệp CNTT đã diễn ra nhằm mục đích tìm tiếng nói chung giữa các bên liên quan để giải quyết câu chuyện thuê ngoài dịch vụ CNTT. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên hầu hết ý kiến của các chuyên gia trong ngành đều nhận định, thuê ngoài dịch vụ CNTT sẽ giúp các CQNN tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất và hiệu quả quản lý nguồn nhân lực. Nhìn từ câu chuyện chuyển mình của ngành đường sắt
Nhiều lợi ích là vậy, tuy nhiên làm cách nào để thay đổi nhận thức về đầu tư CNTT của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước lại không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt với nhiều đơn vị vốn quen với sự trì trệ từ lâu. Câu chuyện của Tổng công ty (TCT) Đường sắt Việt Nam là một ví dụ điển hình. Được coi là một trong những phương tiện giao thông trọng yếu của Quốc gia, trong suốt 133 năm qua, những chuyến tàu ra Bắc vào Nam vẫn vận hành êm ả. Theo thời gian, thay vì những chuyến tàu chứa đầy khách, người ta bắt đầu nhận thấy vẻ già nua, mệt mỏi của đoàn tàu chạy qua mà vắng bóng người, hàng hóa trên các toa xe. Chỉ mỗi dịp Tết đến Xuân về, các chuyến tàu bỗng trở nên vô cùng đắt giá bởi những người có thu nhập thấp làm ăn ở phương xa muốn về quê ăn Tết. Nhưng để có được tấm vé tàu Tết quý giá đó, hành khách thường phải chầu trực thâu đêm suốt sáng xếp hàng tại nhà ga, hoặc chấp nhận mua lại của cò vé với giá cắt cổ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường (giữa) cùng các đại biểu mua những tấm vé đầu tiên qua Hệ thống vé tàu điện tử |
Việc TCT Đường sắt Việt Nam bắt tay với FPT để cung cấp Hệ thống cung cấp vé tàu điện tử theo phương thức thuê ngoài dịch vụ CNTT được coi là một bước tiến đột phá, thể hiện quyết tâm và sự dũng cảm thay đổi của ngành đường sắt. Bởi lẽ trước đó, đơn vị này vẫn kiên trì với phương thức bán vé truyền thống tại ga, trong khi các loại hình giao thông khác như máy bay đã chuyển sang bán vé điện tử từ rất lâu. Xét về mặt công nghệ, hệ thống bán vé tàu điện tử không có khác biệt nhiều so với bán vé máy bay trực tuyến. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT: Việc thay đổi được tư duy của ngành đường sắt là thành công lớn. Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Tuấn dẫn ví dụ, trước đây ngành đường sắt có nhiều kho vé và tồn tại cơ chế xin cho trong nhiều khâu bán vé. Khi Hệ thống vé tàu điện tử đi vào hoạt động, FPT đã thuyết phục được TCT Đường sắt Việt Nam duy trì một kho vé duy nhất và hiển thị rõ ràng trên hệ thống để ai cũng có thể nhìn thấy. Khi người dân lên mạng đặt vé hay ra ga tàu mua trực tiếp thì tình trạng còn vé – hết vé sẽ vô cùng minh bạch, tránh tình trạng đầu cơ như trước.
Nhờ sự thay đổi về mặt tư duy nhận thức của ngành đường sắt, ga Sài Gòn những ngày đầu tiên mở bán vé tàu Tết 2015 khác hẳn với những năm trước đó. Người ta không còn thấy cảnh tượng từng hàng người chen chúc chờ mua vé xuyên đêm. Thay vào đó, phần lớn người dân đã ở nhà sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động kết nối internet để đặt vé tàu. Tại các nhà ga, hệ thống máy tính được trang bị để những ai đến ga cũng có thể truy cập vào mạng để mua vé.
2015 - sẽ có nhiều đột phá
Cùng với TCT Đường sắt Việt Nam, trong thời gian qua, một số CQNN tại Việt Nam đã thuê ngoài dịch vụ CNTT theo hình thức chỉ định thầu. Đơn cử như Văn phòng Quốc hội đã trả tiền thuê mua dịch vụ CNTT theo tháng để sử dụng máy tính, máy quét, máy chủ, đường truyền, hệ thống điều hành điện tử Quốc hội ePAS... do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng CQNN áp dụng mô hình thuê ngoài dịch vụ vẫn còn khá khiêm tốn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó phần lớn là do chưa có khung hành lang pháp lý cụ thể. Vì vậy, trong năm 2015, khi Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực, các chuyên gia trong ngành dự báo sẽ có một cuộc tăng tốc đáng kể về lượng và chất của mô hình thuê ngoài dịch vụ CNTT.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng CNTT nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn các CQNN lại đang khá chậm chạp trong việc ứng dụng CNTT. Theo Báo cáo tóm tắt kết quả ứng dụng CNTT tại các Bộ, ngành năm 2013 do Bộ TT&TT công bố có 11 Bộ, ngành xếp mức khá, 8 Bộ mức trung bình; ở các tỉnh thành: 3 địa phương xếp mức tốt, 8 địa phương khá và 52 địa phương xếp mức trung bình. Trong khi đó, các Tập đoàn công nghệ lớn như FPT, Viettel, CMC, MISA... đang tập trung phát triển và sẵn sàng cho thuê dịch vụ CNTT; hứa hẹn sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn tốt nhất cho các CQNN. Những yếu tố trên được coi là tiền đề quan trọng sẽ tạo nên một sức bật mới cho mô hình thuê ngoài dịch vụ CNTT năm 2015.
Tại Việt Nam đang có 3 loại hình dịch vụ CNTT thường hay được các CQNN thuê của doanh nghiệp: - Một là, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống CNTT, quản trị mạng, có quy mô thị trường khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng/năm (chủ yếu là bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM, POS, hệ thống máy chủ lớn, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng và bảo mật). - Hai là, dịch vụ quản trị, vận hành hệ thống ứng dụng CNTT lớn như ngân hàng lõi, thuế thu nhập cá nhân, cấp phát Ngân sách - Kho bạc quốc gia... - Ba là, dịch vụ cho thuê phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây như phần mềm kế toán, ERP, quản lý bán hàng, quản lý khách sạn, phòng khám… |