Đặc sản Rêu suối Mường Lò

Thứ ba - 14/04/2015 03:37
Rêu ở Mường Lò (Yên Bái) dài miên man, dày và xanh êm mát, từ lâu đã trở thành món ăn quý của người Thái, người Mông nơi đây.
Làm món rêu trộn các loại gia vị rồi nướng
Làm món rêu trộn các loại gia vị rồi nướng

Muốn cảm nhận được vị ngon của rêu thì phải ra tận suối hái rêu, thò tay xuống nước cho rêu mơn man, lượn lờ như vũ nữ dưới làn nước trong vắt của ngòi Thia. Theo tiếng Thái, "Thia" có nghĩa là nước mắt. Con suối là dòng nước mắt của một cô gái Thái yêu đắm say rồi bị chia cắt. Cô khóc đến độ biến thành ngòi Thia. Người yêu cô hối hận ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Có lẽ vì thế mà rêu suối, rêu đá ở ngòi Thia thơm ngon nhất khắp chín bản mười mường của toàn vùng Tây Bắc.

Vào ngày Hội Hái rêu, đàn bà con gái Thái tấp nập đua nhau ra suối. Rêu dài miên man, dập dờn trong bụng nước, lúc vớt lên, còn lưu luyến lóng lánh bám nhiểu giọt nước. Các cô gái Thái vắt rêu thành từng nắm, rêu mịn mát, nắm tròn như bột lọc.

Đối với người Thái ở Mường Lò, rêu là món ăn chỉ dành cho khách quý. Nào là rêu nướng, rêu rán, nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Sau khi làm sạch rêu, người Thái thường trộn hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén (những thứ hạt tiêu rừng thú vị) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh, rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo trên một thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa, cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa.

Lá rong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Món rêu nướng (khay/ "cay pho") vừa quyến rũ với nghệ thuật thứ thiệt của gia vị ẩm thực Thái, lại vừa giữ được cái mát lành, thơm thảo, dịu dàng của vị rêu suối. Món "cay pỉnh" còn thú vị hơn: đem nguyên liệu rêu và gia vị gói bằng lá lốt hoặc lá chanh. Kẹp các gói nhỏ trên thanh tre tươi trẻ đôi, nướng giòn. Rêu chín, cho vào rán với mỡ lợn.

Món rêu luộc ăn như rau cũng rất lạ. Rêu rửa sạch, tẽ nhỏ, bỏ vào nước luộc gà luộc vịt, đun chín tới.

Bà con người Thái, người Tày, người Mông còn rán rêu nhắm rượu. Thả vào miệng, chiêu ít rượu, vị rêu tan chảy rất là ảo diệu. Riêng người Tày ở miền Bắc còn làm bánh mọc, với nhân là rêu suối (bà con gọi là quẹ). Bột bánh làm bằng gạo nếp ở dạng già hơn cốm một chút. Món xôi quẹ phổ biến ở nhiều vùng núi cao.  Mỗi khi có dịp Lễ Tết, họ băm  nhỏ rêu với thịt gà thịt vịt, cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Ăn béo ngậy, thơm dịu vị rêu suối. Cái món rêu đồ lên với thịt ấy gần gũi, ám ảnh nhiều miền quê sơn cước, suốt nhiều thế kỷ qua.

Rêu suối nhiều, nhưng rêu ngon thì ít. Và cái mùa rêu ăn được, ăn thứ thiệt được lại càng ngắn ngủi. Nên bà con vùng cao (những nơi có tục ăn rêu) quý rêu lắm. Khách quý thì mới đãi rêu khô trên gác bếp. Rêu thường được tổ chức ăn vào bữa cơm tối, khi đại gia đình đông đủ. Cô dâu Thái thường coi dành túm rêu nướng cho mẹ chồng những mong tròn vẹn hơn cái đạo dâu con.

Ông Lò Văn Biến, một nghệ nhân nổi tiếng của Mường Lò, cho biết: "Rêu đặc biệt giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt và chống cao huyết áp. Tôi cả đời đi khắp Tây Bắc nghiên cứu văn hoá, thấy người xưa truyền lại cái bí quyết này là tha thiết nhất: rêu ăn vào, chống được ngã nước, sốt rét, sơn lam chướng khí, nên những người đi rừng, nhất thiết phải nướng rêu ăn".

 

Nguồn tin: Vietinfo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây