Dẫn hồn trâu về Mường Then

Thứ tư - 22/04/2015 20:44
Từ thời xa xưa, con trâu với đồng bào Thái luôn là con vật được yêu quý. Trâu không chỉ giúp đồng bào cày bừa ruộng vườn để có những mùa màng bội thu, mà trâu còn là tài sản trong nhà, có thể sinh sôi nảy nở nhiều thêm và truyền từ đời này sang đời khác.
Dẫn hồn trâu về Mường Then
Trâu cũng là nguồn cung cấp thực phẩm, nhưng quan trọng hơn cả là trâu có vị trí đặc biệt trong cuộc sống tâm linh đối với dân bản dân mường. Trong tín ngưỡng Thái, khi tổ chức tang lễ gần như không thể thiếu con trâu cúng cho người chết. Đồng bào Thái quan niệm người và vật chết về thế giới bên kia vẫn có mối quan hệ như khi còn sống. Vì vậy, nhất thiết người quá cố phải được “chia trâu”, có con trâu làm phương tiện canh tác, làm tài sản của cải trên Mường Then thì mới sung sướng, khỏi phải làm phiền lụy đến con cháu ở chốn dương trần.Theo truyền thuyết từ xa xưa, rõ nhất là trong các truyện thơ như “Quam tô mương” ở vùng Tây Bắc, “Lai lông mương” của dân tộc Thái vùng Nghệ An nói về thuở trời đất mới phân chia. Lúc ấy Trời cho loài người xuống hạ giới thì trâu cũng xin theo xuống giúp người làm ruộng. Người cũng không quên công lao của trâu, ban ngày kiếm cỏ ngon cho ăn, tìm vũng nước trong cho trâu tắm mát. Mùa đông người che chắn cho trâu khỏi gió rét, chọn vạt đất bằng phẳng làm nơi buộc trâu… Hàng năm, người còn làm lễ cúng vía cho trâu với quan niệm là giúp con trâu được khỏe mạnh, sinh con tốt, tránh được rủi ro như dịch bệnh, rắn cắn, ngã vách đá hoặc đi ăn bị lạc không biết đường về.

Tình cảm giữa người và trâu lúc sống đã vậy, lúc chết cũng vẫn gắn bó bên nhau. Khi trong nhà có người qua đời, người Thái thường nhắm sẵn một con trâu trong đàn trâu của nhà- hoặc phải tìm mua nếu trong nhà không có mà điều kiện cho phép. Trâu giết để cúng cho người chết dù to hay nhỏ vẫn phải là trâu đen, riêng trâu trắng người ta vẫn quan niệm là chỉ để giết thịt làm thực phẩm đơn thuần hoặc chỉ được phép cúng cho Trời (Pò Then). Đảm đương việc giết và pha thịt trâu là các chàng rể trong nhà, trong họ. Các phần thịt, lòng… mỗi thứ một ít được luộc ngay lên và đem dọn ra mâm dâng cúng cho người chết. Cái đầu trâu thì được để nguyên hình hài (thịt bên trong có thể được lóc riêng ra để sử dụng), lúc đưa ma sẽ có hai người khiêng đầu trâu theo để treo lên một cành cây bên cạnh mộ phần người chết. Đấy là nói về phần xác của người và trâu.

Về phần hồn, người chết được con cháu dâng cúng trâu cho để đem theo hồn trâu về trời. Lời các thầy cúng thầy mo hát kể có nêu: Con trai dâng cúng trâu sừng mập/ Dâng cho trâu sừng đẹp về Mường Bôn gieo mạ/ Về Mường Then cấy lúa ruộng sâu/Dâng cho trâu một sẽ thành trâu đàn/Lúc còn sống buộc dây mây để dắt/ Giờ hãy lấy dây xe bằng sợi chỉ/ Dắt hồn trâu về Mường Then…  

Đêm trước ngày đưa ma, một thầy mo hoặc thầy cúng sẽ hát kể lời hát đưa hồn ma và hồn trâu về Mường Then. Người hát dù là thầy mo hay thầy cúng cũng phải thuộc vào bậc cao tay, nếu không thì linh hồn của thầy mo cũng khó tìm được đường quay trở lại dương trần, sẽ sinh ốm đau bệnh tật… Bởi lúc hát kể, thầy mo mặc nhiên cho linh hồn của mình đưa tiễn hồn người chết và hồn trâu lên Mường Then, qua nhiều cửa ải nơi lành nơi dữ khó bề định liệu. Trong lời hát, thầy mo sẽ phải trang bị cho bản thân những thứ bùa chú để trấn yêu ma theo quan niệm của người Thái, đại loại như: bộ áo của chồn bay, bộ da của nhím rừng, hào quang của rồng, oai linh của hổ v.v… Trên đường đi, hồn người chết dắt hồn trâu đi trước, hồn thầy mo chỉ cầm roi theo sau để giục trâu. Và thầy mo cũng chỉ tiễn hồn đi đến ranh giới phân chia giữa ba mường (mường trời- mường dương gian- mường âm phủ) là thầy mo phải đưa hồn mình trở về.

Các thầy mo ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) đưa tiễn hồn người chết và hồn trâu về Mường Then theo một thác nước nhỏ nhưng rất dài, có nhiều chặng, gọi là “Nặm Tốc Tát” (Thác Nước Rơi). “Nặm Tốc Tát” như rơi từ trên trời xuống, thuộc xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Dòng thác được bắt nguồn từ trên núi cao thuộc huyện Trạm Tấu, đây được coi là đường lên trời của hồn người hồn trâu theo quan niệm của người Thái Đen Tây Bắc. Người Thái ở đây còn quan niệm khi mỗi người qua đời linh hồn sẽ bám vào dây khau cát (một loại dây rừng), lội ngược dòng thác “Nặm Tốc Tát”, để dòng nước gột rửa sạch sẽ những bụi trần rồi mới lên được cõi trời. Dưới chân “Nặm tốc tát” có một bãi đá cổ hàng vạn tảng, được gọi là “Đông quái hà”, tức rừng trâu chết toi. Tương truyền đây là phần xác của những con trâu dùng làm vật tế trong các đám ma hóa thành, còn phần hồn của trâu đã theo chủ đi lên Mường Then rồi. Trong khu vực “Đông quái hà”, trâu đá to nhất là của hai vợ chồng Tạo Xuông, người có công đưa người Thái Đen thiên di từ phương bắc vào Việt Nam từ thế kỷ 11. Trâu đá nhỏ hơn là của Tạo Lò, con trai của ông bà Tạo Xuông, là người tiếp tục sự nghiệp của cha xây dựng nên đất Mường Lò rộng lớn phì nhiêu. Lời hát của các thầy mo nói về đường lên trời có đoạn: Lên đến rừng trâu toi, bãi trâu chết/ Trâu mình mới thả rông ăn cỏ/ Khi mưa rơi mới dắt về bừa ruộng mạ/ Trời sấm mình mới dắt về bừa ruộng/…Đường lên trời lắm ngả/ Lên đến nương Khon Khoang/ Đường lớn hẳn ba mươi đường giao nhau/ Đến chín mươi đường nối tiếp/ Đường đi như cựa gà/ Đường đan chéo như mũi dùi xiên/ Đường ma đi nhiều ngả/ Đường lên trời nhiều lối ngàn đường…

Các thầy mo của người Thái ở Miền Tây Nghệ An lại đưa tiễn hồn người chết và hồn trâu theo đường qua núi Pu Quai ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Lời hát đưa tiễn hồn của một thầy cúng khá nổi tiếng đã được ghi chép lại dài hơn 4000 câu, mỗi dịp hát tiễn đưa phải thâu đêm suốt sáng. Tùy theo từng nơi cư trú khác nhau mà nội dung lời hát tả cảnh đường đi của các thầy mo sẽ khác nhau, quãng đường cũng đi qua các địa danh khác nhau. Ví như người Thái ở huyện Qùy Hợp, gần hơn, thì thầy mo chỉ cần tiễn hồn ma qua vài mường là đến được núi Pu Quai; còn ở huyện Con Cuông ở cách xa hơn, sẽ phải đi qua nhiều mường hơn mới đến được núi Pu Quai… Như vậy là cho dù ở gần hay ở xa, hồn ma của người chết luôn luôn được thầy mo đưa tiễn về núi Pu Quai. Lời thầy mo hát tả cảnh núi Pu Quai có đoạn như sau: Đến đây rồi, nhìn lên trời thấy mịt mờ mây đen vần vũ/ Dưới gầm trời nơi đây thiên hạ gọi Pu Quai/Đường lên Mường Then vẫn còn xa lắm. Thế nhưng đi thêm một chặng nữa, qua các địa danh (không có trong thực tại) mang tên Lôm Pha Phốc Pha Phàn, Lôm Huông, Lôm Quang… thì đến “tì dạp phạ dạp đẻn phỉ đẻn cốn”- tức là ngã ba phân định giữa mường trời, mường người và mường âm phủ… Như đã nói ở trên, đến đây thì thầy mo không dám đi theo để tiễn hồn ma nữa mà chỉ tả cảnh cho hồn ma biết về chặng đường phải đi tiếp để làm sao lên được đến Mường Then.

Trong đám tang người chết, hầu như người Thái ở đâu, hoàn cảnh giàu nghèo ra sao cũng luôn phải gắng tìm được một con trâu để dâng cúng cho người chết- bất đắc dĩ lắm mới phải làm khác đi. Có vẻ như, việc giết trâu trong đám ma theo phong tục người Thái từng bị coi là mê tín dị đoan, hoang phí- bởi có người cho rằng việc giết trâu chỉ với mục đích phục vụ ăn uống đơn thuần... Và cũng như, do chưa nắm bắt được một tập tục mang đậm nét tâm linh thể hiện quan niệm về vũ trụ quan đa dạng và nhân sinh quan cao đẹp của cộng đồng dân tộc Thái mà có một vài lời phê phán đã được đưa ra… Người già hay nói, cái gì đã tồn tại qua nhiều đời thể nào cũng có cái lý riêng của nó. Cái lý về con người lúc sống và tình cảm đối với con trâu của họ, cũng như cái lý về linh hồn người chết vẫn dắt theo hồn của con trâu lên tận Mường Then… chẳng thể phân định đúng sai một cách rạch ròi, nhưng chắc chắn chặng đồng hành của hai linh hồn người- trâu trong nét tâm linh người Thái vẫn đang hàng ngày hàng giờ hiện hữu trên những cung đường thực và ảo hướng đến Mường Then…./.


SẦM VĂN BÌNH
Địa chỉ: Yên Luốm, Châu Quang, Qùy Hợp, Nghệ An.
Email: sambinhct@gmail.com
Tạp chí “Văn hóa Nghệ An” số 140& 141 tháng 01 năm 2009.

Tác giả: Sưu tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây